Tác giả: Đinh Đức Hoàng

Giảng viên khoá: Writing Marathon

Không có mô tả ảnh.

Đã nói mãi rồi, là chơi facebook phải hết sức cẩn thận để giữ phẩm giá, nhưng các bạn chỉ được cái nết thả haha là nhanh chả chịu soi lại mình. Mở newsfeed ra mệt mỏi hết sức. Bây giờ mình sẽ phá lệ, chia sẻ một vài kinh nghiệm để làm sao chúng ta chơi mạng xã hội thật là cháy, thật là ngầu lòi nhé.

Nội dung này là một phần trong giáo trình của Writing Marathon, khóa học mà mình thiết kế 2 năm trước. Nói thế không phải để tuyển sinh đâu các bạn đừng có inbox hỏi – vì danh sách chờ bây giờ đã lên đến hơn 100 bạn rồi mà cũng có tổ chức lớp được quái đâu mà hỏi. Nói thế, vì bất kỳ ai đã từng làm việc cùng, thì đều biết rằng mình là một người viết rất công thức. Mọi thứ đều có nguyên tắc, bao gồm cả dấu ngắt câu và âm bằng trắc. Vì thế nên dù không thông minh lắm nhưng cũng tồn tại được.

Có một huyễn tưởng rất phổ biến, là bản thân quan điểm khi được phát biểu ra có giá trị gì đó. Thôi bạn ơi, thời này đang lạm phát likes, năm bảy chục người trong friendlist họ đi ngang qua tiện tay người ta thả quả tim chứ còn quan điểm thì ở đâu mà chẳng có, phát biểu 80-100 chữ ủng hộ hay chống đối chính phủ chê sinh viên Hải Dương hay khen dân Sài Gòn hào sảng thì có mà đầy. Dưới ánh mặt trời không có gì lạ cả.

Trong kinh nghiệm của mình, một quan điểm thường chỉ có giá trị trong 3 trường hợp:

Một, nó là của người nổi tiếng (vì người nổi tiếng sinh ra để làm khỉ mua vui cho các bạn nên nói gì cũng ít nhất là có tính giải trí rồi);

Hai, nó dự báo hệ thống hành động trong tương lai của một người hay tổ chức (“Em mệt mỏi với loại chồng thế này lắm rồi” hoặc “Chính phủ có thể chấp nhận hy sinh kinh tế”);

và Ba, nó không có tính mới, nhưng chạm được đến dòng suy nghĩ của người đọc, giúp họ thay đổi định kiến hoặc tăng cường cảm xúc vốn có trong họ.

Và thường khi mở mồm nói chuyện gì đó trên mạng, chúng ta nên tạo ra những quan điểm loại sau cùng. Mình đề xuất với các học viên, các đối tác, và cả các cộng tác viên viết bài, một mô thức cơ bản gọi là OREO.

OREO là tên cái bánh quy kẹp kem mà ăn hay bị nhoe nhoét ra răng ấy. Các bạn có thể search “OREO structure”/kết cấu OREO và nó sẽ ra ti tỉ kết quả. Đó là một công thức cho thể loại bình luận phổ biến:

O là Opinion/Quan điểm;

R là Reasons/Lý do bạn đưa ra quan điểm đó;

E là Examples/Ví dụ cho quan điểm;

và O lần nữa là Opinion again/Bạn lặp lại quan điểm lúc đầu ở cuối bài với một sắc thái mạnh mẽ hơn.

Ví dụ trong giáo trình của thầy Hoàng thế này:

Opinion: Con người không nên ăn thịt chó.

Reason(s): Con chó là bạn con người; Con chó thông minh và có cảm xúc; Con chó sao đó kệ bạn.

Example: Đây thực tế là phần quan trọng nhất để tạo ra một status nhiều likes hay bài quan điểm thật cháy. Example sẽ là một hoặc vài câu chuyện, hay là một sự cố (incident) minh họa cho các reasons mà bạn đã nói ở trên. Trong case đang bàn, nó có thể là: Chuyện chó Hachiko chờ chủ ở sân ga, ánh mắt con chó của Lão Hạc hay của Jack London, chuyện con chó hồi bé của bạn,…

Bạn sẽ nhận ra rằng một E tốt là thứ sẽ dẫn vào cảm xúc và suy tư của độc giả, thậm chí nhiều người cầm cái bánh OREO lên sẽ mở bánh quy ra và dùng răng cào mỗi kem ăn thôi.

Opinion Again: Ăn thịt chó là phi nhân tính.

Sau khi đi hết O-R-E và dẫn cảm xúc của độc giả đi rồi, bạn sẽ lặp lại quan điểm lúc đầu với một cường độ mạnh hơn, một tuyên bố có tính khái quát cao hơn.

Bạn suốt ngày chỉ nêu ra quan điểm (O) và vài cái “lập luận” (R) thôi đúng không? Cái đấy thì ai chả làm được, nó không chỉ phèn mà còn toxic với những người xung quanh khiến họ mệt mỏi í.

Việc buộc phải đi tìm E để tạo cảm xúc cho độc giả sẽ khiến bạn khắt khe hơn trong việc tạo ra R. Ví dụ, O là “Mọi người đừng chỉ trích nhau trên mạng nữa”.

R, có quá nhiều R: Saigon đang khó khăn nè; rồi sự đoàn kết sẽ giúp chúng ta vượt qua gian nguy nè; vì bây giờ là lúc chúng ta cần phải… gì đó nhiều lắm. Nói thành sáo luôn.

Nhưng để có một status thật cháy, đây là lúc bạn dừng lại và tìm E. Nếu E của bạn là: “Một người bạn của mình đã từ bỏ ý định hỗ trợ 2 tỷ cho bà con xóm ngụ cư quận 2 vì bạn ấy đọc nhiều hoài nghi và tiêu cực quá”, bạn quay trở lại và đổi R thành: “Sự chia rẽ sẽ chỉ khiến chúng ta yếu đi”.

Bạn có kết cấu sau: “Mọi người đừng chỉ trích nhau trên mạng nữa. Sự chia rẽ sẽ chỉ khiến chúng ta yếu đi. Mới đây, một người bạn của mình vì đọc những tranh cãi trên mạng đã sợ không dám ủng hộ 2 tỷ cho bà con quận 2 nữa (vì sợ ý kiến gì đó)” + O cuối: “Chúng ta sẽ không bao giờ thắng được đại dịch nếu tiếp tục tiêu hao năng lượng tích cực thế này”.

Nó mượt mà sang ấy, thấy không.

Qua bài chia sẻ ngắn này, tôi mong các bạn đã nắm vững kết cấu OREO để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại.